Suy thận ở trẻ em, sơ sinh là bệnh nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ. Vì vậy việc hiểu rõ về bệnh, nguyên nhân, dấu hiệu và cách chăm sóc trẻ là rất quan trọng.
Tìm hiểu về suy thận ở trẻ em
Tình trạng suy giảm chức năng thận ở trẻ em xuất hiện khi các chức năng hoạt động của thận bị suy giảm ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng thải độc, tạo máu, tổng hợp vitamin D, tổng hợp dưỡng chất cơ thể của thận.
Một số dấu hiệu thường gặp ở trẻ bị suy giảm chức năng thận gồm:
- Tình trạng phù nề: Phù nề là triệu chứng thường gặp ở trẻ em, trẻ sơ sinh. Nhiều phụ huynh lại không chú ý đến dấu hiệu này và nhầm tưởng rằng đó là hiện tượng dị ứng. Khi bị phù nề do tình trạng thận bị suy yếu, mắt trẻ thường sưng lên sau đó lan tới các vị trí tay, chân, lưng, bụng căng cứng…
- Rối loạn vấn đề tiểu tiện: Ở những trẻ gặp vấn đề về thận thường có biểu hiện rõ nhất là tình trạng tiểu tiện. Trẻ bị suy thận thường tiểu ít, rát hoặc buốt, tiểu nhiều vào ban đêm, nước tiểu màu vẩn đục, màu nước tiểu sậm đi.
- Chán ăn, bỏ ăn: Khi mắc bệnh, trẻ thường cảm thấy chán ăn, khó ăn, thường xuyên buồn nôn, nôn.
- Một số triệu chứng khác: Mệt mỏi, ngủ mê mệt, run rẩy chân tay, đau đầu, sụt cân nhanh, người trẻ xanh xao, khó thở, đau bụng.
Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng bệnh. Trong đó có một số nguyên nhân và yếu tố nguy cơ thường gặp sau:
- Suy thận trẻ em có thể do sức đề kháng của trẻ yếu: Trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh thường có hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh nên dễ mắc các bệnh lý về sức khỏe. Trong đó, bệnh suy giảm chức năng thận dễ xảy ra ở trẻ có sức đề kháng yếu.
- Nhiễm trùng nặng: Khi trẻ gặp các vấn đề về nhiễm trùng như ký sinh trùng, vi trùng, ngộ độc… sẽ dễ dẫn đến các tổn thương về thận. Đặc biệt với những trẻ bị nhiễm trùng đường tiểu.
- Di truyền: Di truyền là nguyên nhân thường gặp ở trẻ sơ sinh. Đặc biệt, phụ nữ mang thai mắc bệnh thận sẽ tăng nguy cơ thai nhi bị bệnh.
- Mất nước do tiêu chảy có thể là nguyên nhân suy thận cấp ở trẻ em: Khi trẻ đi ngoài liên tục mà không được xử lý kịp thời sẽ khiến cơ thể trẻ mất nước, suy nhược cơ thể, chức năng thận bị rối loạn. Điều này còn ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của trẻ.
- Mắc các bệnh lý về thận: Một số bệnh lý về thận như viêm đường tiết niệu, viêm cầu thận… khi không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến bệnh.
- Nguyên nhân khác: Một số nguyên nhân khác có thể gây bệnh như di chứng do các chấn thương trên cơ thể, di chứng sau mổ tim, ghép tạng đều có thể ảnh hưởng đến thận.
>> Xem thêm: Suy Thận Mạn Tính Là Gì? Có Nguy Hiểm Không Và Cách Điều Trị
Suy thận ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm?
Suy giảm chức năng thận ở trẻ sơ sinh là bệnh lý vô cùng nguy hiểm. Bệnh khiến sức khỏe trẻ ngày một giảm sút thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, cha mẹ cần chú ý các dấu hiệu ở trẻ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Suy thận ở trẻ em, trẻ sơ sinh có chữa được không?
Nếu tình trạng bệnh của trẻ ở giai đoạn nhẹ, cha mẹ phát hiện kịp thời thì chức năng thận có thể phục hồi hoàn toàn hoặc phục hồi một phần sau khi sử dụng các phương pháp điều trị phù hợp.
Tuy nhiên, khi tình trạng bệnh ở giai đoạn nặng, chức năng thận bị ảnh hưởng nghiêm trọng thì quá trình điều trị chỉ giúp giảm sự tiến triển của bệnh và phòng ngừa biến chứng của bệnh, khó có khả năng phục hồi hoàn toàn.
Những biến chứng nguy hiểm của bệnh ở trẻ
Bệnh suy thận ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng thận, những biến chứng nguy hiểm của bệnh gồm:
- Chân tay của trẻ bị sưng phù nặng do cơ thể giữ nước
- Dễ mắc các bệnh về tim mạch như viêm màng tim, suy tim, phù phổi
- Thiếu máu, chức năng lọc máu kém, hàm lượng kali trong máu của trẻ tăng cao có thể dẫn đến tử vong
- Xương yếu, có thể dẫn đến gãy xương
- Bệnh suy thận ở trẻ em có thể ảnh hưởng đến khả năng tập trung của trẻ do hệ thần kinh trung ương bị tổn thương
- Suy giảm hệ miễn dịch, dễ mắc các bệnh lý khác
- Tử vong
Như vậy, bệnh suy giảm chức năng thận ở trẻ em là căn bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên nếu cha mẹ phát hiện kịp thời và có những phương pháp điều trị tốt sẽ giúp hạn chế những biến chứng không mong muốn cho trẻ.
Biến chứng của bệnh rất nguy hiểm đối với cả trẻ em và người lớn khi mắc bệnh. Nên trong quá trình điều trị, chế độ ăn uống đóng vai trò rất quan trọng. Suy thận nên ăn gì, kiêng ăn gì? Là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm.
Cách chăm sóc trẻ nhỏ bị suy thận
Khi nghi ngờ trẻ bị mắc bệnh, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để xác định tình trạng bệnh và được bác sĩ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp. Cha mẹ không nên để các triệu chứng kéo dài có thể ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể trẻ, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Bệnh suy thận ở trẻ em, sơ sinh cần được điều trị theo chỉ định, cha mẹ không nên tự ý mua thuốc không rõ nguồn gốc để điều trị cho con. Bên cạnh đó, cha mẹ cần chú ý chăm sóc kết hợp chế độ dinh dưỡng để hỗ trợ cải thiện tình trạng bệnh.
Về chế độ ăn, cha mẹ chú ý thực đơn dành cho trẻ bị suy thận cần tránh đồ ăn dầu mỡ, ăn mặn, hải sản, thực phẩm hàm lượng kali cao, món ăn khó tiêu. Thay vào đó, nên bổ sung cho trẻ các loại rau xanh, hoa quả ít đường.
Hạn chế cho trẻ ăn nhiều loại rau dạng củ và hoa quả chứa nhiều kali như su hào, củ cải, hồng xiêm, chuối tiêu, đu đủ… Cha mẹ nên chú ý tạo không gian thoải mái, kích thích nhu cầu thèm ăn của trẻ để trẻ bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể.
Những thông tin về bệnh suy thận ở trẻ em, sơ sinh trên hy vọng hữu ích với các bậc cha mẹ. Cha mẹ cũng cần chú ý đây là bệnh nguy hiểm cần được điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Vì thế, không nên tự ý sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ để điều trị cho trẻ.
Bác sĩ Hoàng Thị Lan Hương sinh ngày 19/11/1957. Nguyên là giảng viên cấp cao của trường Học viện YHCT Tuệ Tĩnh. Bác sĩ Hoàng Thị Lan Hương hiện đang làm việc và công tác tại Phòng chẩn trị y học cổ truyền Tâm Minh Đường.