Đỗ trọng là một vị thuốc quý trong Đông y, có mặt trong nhiều bài thuốc giúp bồi bổ can thận, mạnh gân cốt, chuyên dùng để chữa chứng thận hư, liệt dương, đau lưng, thoát vị đĩa đệm, chữa vô sinh, động thai… Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn về vị thuốc này trong bài viết sau!
Đỗ trọng có mấy loại?
Loại thảo dược này có tên khoa học là Eucommia ulmoides Oliv, thuộc họ Eucommiaceae. Trong Đông y, vị thuốc này còn được gọi với nhiều tên gọi khác như: Tư trọng, Mộc miên, Tư tiên, Miên hoa, Loạn ngân ty, Diêm thủy sao…
Đây là cây thân gỗ sống lâu năm, cây thường có độ cao từ 15-20m, đường kính thân gỗ từ 33-50cm, tán cây hình tròn, rụng lá hàng năm. Bộ phận dùng làm thuốc là vỏ cây, có màu xám, khi bẻ gãy thì thấy có nhiều sợi tơ nhựa trong suốt nên gọi là Mộc miên. Tại Trung Quốc, loại thảo dược này được trồng rất phổ biến. Cây thuốc này đã được đem về trồng tại Việt Nam nhưng còn chưa rộng rãi.
Thảo dược này thường có 2 loại là:
- Bắc đỗ trọng: Loại này có vỏ dẹt, thường dày khoảng 0,1-0,4cm, có độ dài rộng khác nhau. Mặt ngoài vỏ có màu nâu vàng đến màu nâu xám, bề mặt có nhiều nếp nhăn dọc, quan sát thấy các lỗ vỏ nằm ngang và có cả vết tích do cành cây để lại. Mặt trong vỏ nhẵn, có màu nâu tím mờ. Vỏ thường giòn nên dễ bẻ gãy, khi bẻ ra thì sẽ thấy có nhiều sợi nhựa trắng như tơ và có khả năng đàn hồi. Loại này có mùi thơm và vị hơi đắng.
- Nam đỗ trọng: Loại này có vỏ cuộn, uốn cong như lòng máng, độ dày dao động từ 0,2-0,4cm. Mặt ngoài của vỏ có màu vàng sáng hoặc có cả khoang vỏ màu vàng nâu, bề mặt có nhiều đường nứt dọc. Mặt trong của vỏ bề mặt nhẵn mịn, có màu nâu. Vỏ thường cứng nên khó bẻ, sau khi bẻ ra thì có rất ít nhựa tơ, khả năng đàn hồi kém. Loại này không có mùi hoặc hơi thơm, vị nhạt, hơi đắng và chát.
Ngoài ra, Đỗ trọng còn được gọi tên theo vùng miền và có những đặc tính khác nhau, quyết định bởi điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu ở nơi trồng:
- Đại Ba (Tứ Xuyên – Trung Quốc): Vỏ mịn, dày thịt.
- Núi Lầu Sơn (Quý Châu – Trung Quốc): Vỏ thô mịn khác nhau, chất lượng kém hơn loại ở Tứ Xuyên.
- Thiểm Tây, Hồ Bắc (Trung Quốc): Vỏ thô xù xì, mỏng thịt, chất lượng kém nhất.
Đỗ trọng có tác dụng gì?
Phân tích thành phần hóa học, vỏ của loại thảo dược này có chứa nhiều hoạt chất có tác dụng kháng viêm, giảm đau, hạ áp như: gutta-percha, pino-resinol-diglucosid, acid geniposidic, geniposid, acid chlorogenic, ulmoprenol, aucubin, albumin chất béo, nhiều tinh dầu và các muối vô cơ…
Các thành phần này có tác dụng hạ huyết áp, giảm nồng độ cholesterol trong huyết thanh, giúp làm giãn mạch – chống co giật, tăng cường lưu thông máu trong động mạch và vành tim, lợi tiểu, tăng cường chức năng thận, ức chế các cơn co tử cung và ức chế một số vi khuẩn như tụ cầu vàng, trực khuẩn lỵ, E-coli…
Còn theo y học cổ truyền, Đỗ trọng được nhắc tới trong rất nhiều tài liệu như: Bản thảo cương mục, Bản kinh, sách thuốc cổ… Theo đó, vị thuốc này được miêu tả là vị thuốc có vị ngọt, hơi cay, không độc, tính ôn; quy vào ba kinh là thận, can và phế. Được biết đến với tác dụng chủ trị chứng thận hư, liệt dương, động thai, trụy thai, vô sinh, bệnh xương cốt như thoát vị đĩa đệm, đau lưng, thoái hóa đốt sống cổ hay gai cột sống…
Đỗ trọng ngâm rượu uống được không?
Vị thuốc này có thể được bào chế ở nhiều dạng như: Sắc uống, tán mịn, cô cao hoặc ngâm rượu uống. Nhìn chung, tùy vào mục đích điều trị cho chứng bệnh nào, phối kết hợp với vị thuốc khác thì sẽ có cách bào chế tương ứng.
Đối với riêng cách dùng ngâm rượu thì có một số bài thuốc tiêu biểu như sau:
- Dùng 500g Đỗ trọng thái nhỏ rồi sao với nước cốt gừng tươi cho đến khi các sợi tơ đứt hết thì cho vào túi vải, bỏ vào bình thủy tinh. Đổ thêm 1,5 lít rượu trắng rồi ngâm trong 10 ngày là được. Dùng rượu này uống ngày 3 lần, mỗi lần 1 chén con để giúp bổ thận, chữa đau cứng lưng do phong hàn thấp.
- Dùng Đan sâm (mỗi vị 320g) và 200g xuyên khung thái vụn , cùng với Đỗ trọng rồi ngâm với 1 lít rượu trắng trong 5 ngày. Đây là bài thuốc có công dụng bổ thận, mạnh gân cốt, chữa các chứng đau lưng, đau nhức xương khớp.
Ngoài ra, còn có rất nhiều các vị thuốc, các loại thảo dược khác có tác dụng điều trị bệnh lý hiệu quả như bạch thược mà bạn có thể tham khảo.
Trong chữa bệnh đau lưng, đau cột sống nói chung, ngoài vị thuốc Đỗ trọng thì Sâm đương quy cũng là một loại dược liệu quý có mặt trong nhiều bài thuốc. Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm về vị thuốc này trong các bài viết liên quan.
Cách sử dụng Đỗ trọng
Để sử dụng vị thuốc này, cần chọn cây thuốc có tuổi đời từ 10 năm trở lên. Loại thảo dược này chỉ được thu hoạch vào mùa hạ vì lúc này hàm lượng dược chất cao nhất và đảm bảo quá trình sinh trưởng của cây thuốc về sau.
Theo đó, người làm thuốc sẽ rạch/cưa đứt quanh vỏ cây thành từng đoạn, lấy dao dọc khẽ vào thân cây để bóc vỏ (chỉ bóc ⅓ đường kính vỏ cây để cây tiếp tục sinh trưởng về sau). Vỏ Đỗ trọng thu được sẽ đem luộc trong nước sôi, để ráo nước trên bề mặt bằng phẳng có lót rơm, dùng dụng cụ nén chặt để bề mặt vỏ phẳng và ép cho nhựa chảy ra. Cứ ép như thế trong suốt 7 ngày hoặc đến khi vỏ chuyển màu tím thì đem phơi, cạo sạch vỏ xù xì và cắt thành từng miếng.
Các cách sử dụng Đỗ trọng:
- Gọt, cạo sạch vỏ dày bên ngoài. Mỗi một cân thì tẩm kỹ với 120g mật ong và 40g sữa, đem tất cả sao thật khô là dùng được.
- Gọt, cạo sạch vỏ dày bên ngoài rồi cắt thành các khúc nhỏ, đem tẩm với nước muối rồi sao nóng cho tới khi tơ đứt hết là dùng được.
- Lấy vỏ Đỗ trọng tẩm cùng rượu 40 độ trong 2 giờ rồi đem sao vàng cho đến khi tơ đứt hoàn toàn.
- Vỏ rửa sạch rồi cạo bỏ vỏ xù xì bên ngoài, xắt thành từng lát nhỏ (mỗi lát khoảng 3-5kg), đem nhau thành bề mặt như da rắn rồi phơi khô. Hoặc có thể dùng lúc tươi hay đem ngâm rượu.
Ngoài cách dùng phối hợp với các vị thuốc khác hoặc dùng độc vị, Đỗ trọng cũng có thể được dùng để nấu thành món ăn chữa bệnh như: Thịt heo hầm chữa đau thần kinh tọa, nấu canh và thận dê trị đau thắt lưng do thận âm hư…
Bên cạnh vị thuốc này, Thục địa cũng là vị thuốc nổi tiếng trong điều trị nhiều chứng bệnh liên quan đến thận. Tham khảo thêm bài viết về vị thuốc Thục địa để biết thêm chi tiết!
Đỗ trọng bán bao nhiêu tiền?
Là một vị thuốc nổi tiếng và được áp dụng trong nhiều bài thuốc nên loại thảo dược này hiện được bày bán rất phổ biến tại các hiệu thuốc Đông y, hiệu thuốc Bắc. Mỗi cân dược liệu này có giá giao động từ 180.000 VNĐ – 200.000 VNĐ, giá bán có thể chênh lệch đôi chút tùy địa chỉ. Nếu muốn tìm mua Đỗ trọng, người dùng nên đến các hiệu thuốc nam uy tín trên toàn quốc để mua được sản phẩm đảm bảo nhất.
Trên đây là những thông tin về vị thuốc Đỗ trọng, hy vọng đã cung cấp cho bạn những kiến thức bổ ích. Chúc bạn nhiều sức khỏe!
Bác sĩ Nguyễn Bá Vưỡng sinh ngày 25/06/1959, ông nguyên là phó khoa Đông y của Viện Y học cổ truyền Quân đội. Bác sĩ Vưỡng hiện đang làm việc tại Phòng chẩn trị y học cổ truyền Tâm Minh Đường và tác giả biên soan, chịu trách nhiệm nội dung trên trên website tamminhduong.com của Nhà thuốc Tâm Minh Đường.