Hội chứng chèn ép tủy là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Hội chứng chèn ép tủy có thể xảy ra ở bất kỳ đoạn cột sống nào trên cơ thể từ đốt sống cổ trở xuống đến cột sống thắt lưng. Nếu không được can thiệp, điều trị sớm có thể gây teo, yếu cơ và dẫn đến biến chứng bại liệt. Vậy hội chứng chèn ép tủy là gì? Điều trị, phòng ngừa như thế nào?

Hội chứng chèn ép tủy là gì?

Hội chứng chèn ép tủy là tình trạng xuất hiện các khối bất thường trong ống sống. Các khối này sẽ phát triển theo thời gian và trực tiếp đè nén lên ống sống, rễ thần kinh và hệ thống mạch máu trong lòng ống sống. Từ đó dẫn đến tình trạng tắc nghẽn đám rối tĩnh mạch ngoài màng cứng và để lại những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.

Nguyên nhân gây hội chứng chèn ép tủy

Thông thường cơn đau do hội chứng chèn ép tủy gây ra có thể xuất hiện ở 2 dạng là cấp tính và mãn tính.

Nguyên nhân cấp tính

Cơn đau cấp tính thường xảy ra và tiến triển trong vài phút hoặc vài giờ đồng hồ. Chủ yếu xảy ra do một số nguyên nhân sau:

  • Chấn thương cột sống: Gãy xương đốt sống, trật khớp, chấn thương dây chằng, chấn thương xương gây tụ máu,…
  • Áp xe hoặc tình trạng tụ máu ở ngoài màng cứng dạng tự phát
  • Khối u di căn

hội chứng chèn ép tủy sống

Nguyên nhân hội chứng chèn ép tủy sống mãn tính

Triệu chứng bệnh có thể xuất hiện và tiến triển qua nhiều tháng, nhiều năm. Thường mắc phải do các nguyên nhân sau:

  • Thoái hóa cột sống: Thoái hóa cột sống khiến đoạn xương bị thoái hóa trở nên biến dạng và chèn ép vào ống tủy sống trên cột sống. Từ đó gây ra sự chèn ép tủy gây ra cảm giác đau nhức dữ dội, chân tay tê bì, khả năng vận động ngày càng bị giới hạn
  • Bệnh hẹp ống sống: Hẹp ống sống là bệnh mang yếu tố bẩm sinh xảy ra ngay từ khi hình thành bào thai nhưng đến khi trưởng thành bệnh mới được phát hiện. Đây là tình trạng lòng ống sống bị thu hẹp khiến tủy sống, dây thần kinh và mạch máu bên trong bị chèn ép. Người bệnh thường gặp phải những cơn đau nhức kéo dài âm ỉ, đau hơn khi vận động hoặc thời tiết thay đổi
  • Thoát vị đĩa đệm: Là tình trạng bao xơ đĩa đệm bị nứt, rách khiến phần nhân nhầy bên trong chảy tràn ra ngoài và chèn ép đến các tế bào, cấu tạo xung quanh ống sống. Gây ra triệu chứng tê bì chân tay, đau nhức xương khớp, đau khi cúi xuống, đau nhức toàn thân,…

Ngoài ra, hội chứng chèn ép tủy sống còn có thể mắc phải do một số nguyên nhân ít gặp hơn như: Khối u ngoài tủy xương, dị dạng động mạch,…

Triệu chứng hội chứng chèn ép tủy

Các triệu chứng thường gặp khi mắc phải hội chứng chèn ép tủy gồm:

  • Cảm giác đau, cứng xảy ra ở vùng cổ, thắt lưng hoặc dọc cột sống
  • Cơn đau lan từ điểm ban đầu đến cánh tay, bả vai, hai bên mông rồi xuống hai bàn chân dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa
  • Thường bị tê yếu cơ hoặc chuột rút ở bàn tay, cánh tay và ở hai chi dưới
  • Mất cảm giác tạm thời ở bàn chân
  • Sự vận động giữa tay và bàn chân có những rối loạn nhất định
  • Một bàn chân có cảm giác yếu hơn, dáng đi lệch lạc, đi khập khiễng
  • Suy giảm ham muốn tình dục

Trong trường hợp hội chứng chèn ép tủy xảy ra ở vùng thắt lưng dưới sẽ xuất hiện thêm các dấu hiệu nghiêm trọng hơn được gọi là hội chứng chùm đuôi ngựa. Người bệnh mất khả năng kiểm soát bàng quang và ruột. Dẫn đến tình trạng đại tiểu tiện mất tự chủ, việc đi lại khó khăn đau đớn,….

Chẩn đoán hội chứng chèn ép tủy

  • Chụp X-quang cột sống: Có thể giúp bác sĩ phát hiện những diễn tiến bất thường của các xương quanh cột sống gây chèn ép lên tủy sống. Ngoài ra, kỹ thuật này cũng giúp phát hiện sự liên kết bất thường ở cột sống
  • Chụp CT hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI): Giúp bác sĩ có thể quan sát chi tiết về tủy sống và các cấu trúc tế bào xung quanh để tìm kiếm điểm bất thường gây chèn ép tủy sống
  • Một số kỹ thuật chẩn đoán khác có thể chỉ định: Chụp CT kèm thuốc cản quang, quét xương, điện tâm đồ,….

Điều trị hội chứng chèn ép tủy

Những cách điều trị hội chứng chèn ép tủy được sử dụng phổ biến gồm:
Điều trị bằng thuốc Tây

Thuốc được dùng để điều trị hội chứng chèn ép tủy gồm:

  • Thuốc giảm đau chống viêm không steroid và nhóm thuốc giảm đau, giảm sưng steroid
  • Với các trường hợp chèn ép tủy sống cấp tính thường được cải thiện triệu chứng bằng thuốc steroid liều cao. Thuốc giúp ức chế diễn tiến bệnh và bảo vệ các tế bào thần kinh

Điều trị hội chứng chèn ép tủy bằng thuốc thường được áp dụng với các trường hợp mắc bệnh ở mức độ nhẹ, có thể đáp ứng tốt với thuốc. Tuy nhiên các loại thuốc này thường tiềm ẩn những tác dụng phụ như: Rối loạn tiêu hóa, suy giảm chức năng gan, đau dạ dày,….

Vật lý trị liệu

Trong trường hợp chèn ép mức độ nhẹ, cơn đau không quá nghiêm trọng người bệnh có thể áp dụng điều trị bằng vật lý trị liệu để tránh các tác dụng phụ khi sử dụng thuốc Tây. Vật lý trị liệu khắc phục tình trạng chèn ép tủy thường là các bài tập tăng cường cơ bụng, cơ lưng và cơ chân. Sau khi thăm khám, chẩn đoán bệnh bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh thực hiện các bài tập phù hợp.

Xạ trị

Trong trường hợp khối chèn ép tủy sống có kích thước lớn, có diễn tiến nghiêm trọng, bệnh nhân sẽ được chỉ định điều trị bằng biện pháp xạ trị. Xạ trị sẽ giúp thu nhỏ các khối u chèn ép tủy sống và hạn chế các biến chứng xấu không mong muốn.

Phẫu thuật

Là giải pháp cuối cùng trong y học được chỉ định với các trường hợp chèn ép tủy mức độ nghiêm trọng, không đáp ứng được với các phương pháp nêu trên. Cách làm này tiềm ẩn khá nhiều rủi ro và chi phí thực hiện cũng tương đối đắt đỏ.

Phòng ngừa hội chứng chèn ép tủy

Để phòng ngừa nguy cơ mắc phải hội chứng chèn ép tủy, mỗi người cần thực hiện tốt các vấn đề sau:

  • Thường xuyên tập luyện thể dục giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp. Duy trì sự dẻo dai, linh hoạt cho hệ thống cơ xương khớp
  • Xây dựng thói quen sinh hoạt khoa học
  • Hạn chế lao động nặng nhọc. Nghỉ ngơi điều độ
  • Tích cực bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể giúp làm chậm quá trình lão hóa và bảo vệ sức khỏe xương khớp tốt hơn

Nội dung bài viết là một số thông tin chia sẻ về hội chứng chèn ép tủy và cách điều trị, phòng ngừa hiệu quả. Hy vọng đã đem đến mọi người thêm nhiều kiến thức hữu ích giúp bảo vệ sức khỏe tốt hơn.

0983340246