Hen Suyễn Là Gì? Triệu Chứng Và Cách Giảm Cơn Hen Hiệu Quả

Hen suyễn là một dạng bệnh lý mạn tính đường hô hấp rất thường gặp hiện nay. Bệnh gặp ở nhiều lứa tuổi và có thể gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng nếu không được chữa trị kịp thời. Vậy đây là bệnh gì, triệu chứng của bệnh như thế nào và cách phòng tránh bệnh ra sao, bài viết này sẽ giải đáp hết mọi thắc mắc cho mọi người.

Hen suyễn là gì?

Hen suyễn hay còn gọi bệnh hen phế quản, là một bệnh lý mạn tính đường hô hấp, xảy ra khi đường thở của bạn bị chít hẹp do co thắt phế quản kèm tăng tiết dịch dẫn đến các triệu chứng như ho, khó thở, cảm giác nặng và tức ngực. Đây là một bệnh mãn tính nên nó có khả năng tái phát nhiều lần và gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Hiện nay, vẫn chưa có thuốc điều trị dứt điểm bệnh và biện pháp điều trị chỉ là điều trị triệu chứng tức là chỉ giúp kiểm soát được bệnh khi tái phát.

Hen suyễn là gì

Ở nước ta, theo một thống kê thì hiện có khoảng hơn 4 triệu người mắc bệnh hen suyễn và con số này tương đương với khoảng 5% dân số. Mỗi năm có ít nhất 3000 người tử vong vì bệnh. Đây là một con số không hề nhỏ mặc dù đây không phải là một bệnh cấp tính hay điều trị khó khăn. Đó là bởi vì mọi người vẫn chủ quan và hiểu biết về bệnh vẫn còn rất hạn chế dẫn đến thiếu những kiến thức cần thiết để xử lý khi bệnh khởi phát. Do vậy, việc trang bị những hiểu biết cơ bản về bệnh sẽ giúp chúng ta tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra và có thể bảo vệ mình, bảo vệ gia đình và những người xung quanh.

Bệnh hen suyễn có thể khởi phát do các yếu tố kích thích như bụi, lông động vật, phấn hoa, nấm mốc,… Bệnh có thể do di truyền hoặc không do di truyền và một số yếu tố thời tiết như thay đổi mùa, thay đổi thời tiết, nhiễm lạnh, ẩm ướt là những yếu tố thuận lợi cho cơn hen.

Triệu chứng của bệnh hen suyễn

Hen suyễn hay hen phế quản có các triệu chứng tương tự với các bệnh lý đường hô hấp thông thường nên người bệnh dễ nhầm lẫn và bỏ qua. Do vậy, việc nhận biết rõ một số triệu chứng đặc trưng sau đây là rất cần thiết cho việc chẩn đoán bệnh kịp thời.

  • Khó thở: do tăng tiết dịch tại ống phế quản dẫn đến tình trạng chít hẹp đường dẫn khí và gây ra tình trạng khó thở, khó thở thì thở ra. Bệnh nhân thấy nghẹt thở, hơi thở ngắn và đứt quãng. Cơn khó thở có thể là những cơn ngắn, từ 5-10 phút, bệnh nhân có thể tự phục hồi và ho ra đờm trong, đặc quánh. Tùy vào tình trạng bệnh mà cơn khó thở có thể xuất hiện thường xuyên hay không. Với những người bệnh hen suyễn thể nặng, cơn khó thở có thể diễn ra liên tục và nguy hiểm. Những cơn khó thở ác tính còn khiến bệnh nhân ngừng thở, tím tái, hạ huyết áp và có thể dẫn đến tử vong nếu không được xử lý kịp thời.
  • Thở khò khè: do tình trạng khó thở gây ra các tiếng rít, tiếng cò cử. Các tiếng này rất rõ và người xung quanh có thể nghe thấy.
  • Thở nhanh và gấp gáp: đây là dấu hiệu điển hình sẽ xuất hiện khi bệnh nhân làm các công việc nặng nhọc như leo cầu thang hay khuân vác, hoặc khi bệnh nhân đang tập thể dục, chạy bộ…
  • Ho: Ho nhiều và cơn ho thường xuất hiện nhiều hơn về ban đêm hay gần sáng là một trong những biểu hiện thường thấy của bệnh hen suyễn, gây ảnh hưởng đến nhịp sinh hoạt của người bệnh.
  • Cảm giác nặng ngực: đó là cảm giác nặng như có vật gì đó đè lên ngực khiến bệnh nhân không thể thở được. Hoặc có cảm giác ngực bị siết chặt đột ngột mà không rõ nguyên nhân.
  • Mặt tím tái, hay đổ mồ hôi: triệu chứng này xuất hiện khi cơ thể không được cung cấp đầy đủ lượng oxy cần thiết. Điều này sẽ khiến cho bệnh nhân mệt mỏi, yếu ớt và suy giảm sức lao động.

Nếu có những triệu chứng trên, bạn cần phải đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán bệnh kịp thời và được hướng dẫn các biện pháp cần thiết để kiểm soát cơn bệnh.

Triệu chứng của bệnh hen suyễn

Nguyên nhân gây hen suyễn là gì?

Các triệu chứng của bệnh hen suyễn điển hình như trên, vậy thì các nguyên nhân gây khởi phát các cơn hen là gì? Các yếu tố gây bệnh như thế nào? Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp gây khởi phát bệnh ở những bệnh nhân hoặc gây ra bệnh ở những người chưa mắc phải. Cụ thể như sau:

  • Do di truyền: bệnh nhân có tiền sử cha mẹ hoặc người nhà mắc bệnh hen phế quản.
  • Do dị ứng: mắc các bệnh dị ứng như dị ứng phấn hoa, dị ứng hải sản…
  • Do tiền sử mắc các bệnh về đường hô hấp khi còn nhỏ hoặc mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp mà không chữa dứt điểm cũng là một yếu tố kết hợp gây bệnh ở một số bệnh nhân.
  • Do khói thuốc: ở những người có cơ địa dị ứng thì việc tiếp xúc với khói thuốc là một yếu tố làm khởi phát cơn hen.
  • Nguyên nhân gây hen suyễn do một số dị nguyên như: bụi, thảm, lông động vật như chó, mèo, phấn hoa,… có thể kích hoạt cơn hen phế quản.
  • Do thời tiết: khi thời tiết thay đổi, lúc giao mùa hoặc một đợt gió lạnh, mưa phùn, ẩm ướt có thể là nguyên nhân gây bệnh ở một số bệnh nhân.
  • Do một số thuốc như: thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm không có steroid, thuốc chẹn beta, thuốc chữa đau khớp,… hoặc một số hóa chất như chất tẩy rửa, hóa chất làm tóc,…
  • Do chất sunfit có lẫn trong đồ ăn, thức uống.
  • Do rượu: việc uống quá nhiều rượu hoặc chỉ cần tiếp xúc với rượu cũng đủ để gây bệnh cấp tính ở một số bệnh nhân.
  • Do hoạt động thể lực: người bệnh hen suyễn nên hạn chế vận động quá sức, đặc biệt là vận động khi trời lạnh vì có thể là nguyên nhân gây bùng phát cơn hen. Một số hoạt động như tập gym, chạy bộ, leo núi,… nên hạn chế và thay bằng các hoạt động nhẹ nhàng hơn.

Hen suyễn có nguy hiểm không?

Câu hỏi mà rất nhiều người đặt ra cho các y bác sĩ đó là căn bệnh này có nguy hiểm không? Hay mức độ nguy hiểm của bệnh này như thế nào? Nếu bạn đã đọc những thông tin mà chúng tôi cung cấp ở trên thì có lẽ cũng đã có câu trả lời cho riêng mình rồi. Tuy nhiên, những thông tin dưới đây là ý kiến từ một số chuyên gia và những con số thống kê sẽ giúp bạn khẳng định chắc chắn về tầm nguy hiểm của căn bệnh này.

Hen suyễn, theo một số chuyên gia cho rằng, đây là một căn bệnh có nguy cơ cao do nó có khả năng gây biến chứng lớn và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Như thông tin chúng tôi đã cung cấp ở trên thì mỗi năm có khoảng 3000 người tử vong vì căn bệnh này và tỷ lệ tử vong chỉ đứng sau tỷ lệ tử vong do ung thư và tỷ lệ đó còn cao hơn tỷ lệ tử vong do các bệnh lý về tim mạch. Đó là một thông tin rất đáng báo động cho những người còn chủ quan cho rằng bệnh không nguy hiểm và hoàn toàn có thể tự khỏi mà không cần điều trị.

Bên cạnh đó, cơn hen suyễn nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến rất nhiều biến chứng như: xẹp phổi, nhiễm khuẩn phế quản, tâm phế mạn, suy hô hấp và thậm chí là ngừng hô hấp, tổn thương não không hồi phục.

Do đó, đây hoàn toàn là một bệnh nguy hiểm và không thể xem thường. Bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đều cần phải nắm rõ những thông tin về bệnh cũng như những biện pháp cấp cứu kịp thời để kiểm soát cơn hen và phải tuân thủ đúng và đầy đủ theo chỉ dẫn của các y bác sĩ.

>> Xem ngay: Địa chỉ bác sĩ chữa hen phế quản tốt nhất?

Hen suyễn có nguy hiểm không

Cách làm giảm cơn hen suyễn tại nhà?

Cơn hen xuất hiện đột ngột và không có triệu chứng báo trước. Nó có thể nhanh chóng gây nguy hiểm tính mạng cho người bệnh nếu không được điều trị kịp thời. Và hầu hết các trường hợp lên cơn hen, người bệnh hoàn toàn không có đủ thời gian đến các cơ sở y tế để nhờ đến sự trợ giúp của các y bác sĩ. Do vậy, các biện pháp làm giảm và kiểm soát cơn hen tại nhà luôn là ưu tiên hàng đầu cho người bệnh. Các biện pháp đó như sau:

  • Sử dụng các thuốc dạng xịt, dạng hít: Các loại thuốc này chứa thành phần dược chất giúp nhanh chóng làm giãn phế quản, giúp thông thoáng đường thở cho người bệnh và do đó là ưu tiên hàng đầu trong việc kiểm soát các cơn hen suyễn đột ngột tái phát. Ngoài ra, thiết kế của các loại thuốc này vô cùng nhỏ gọn và tiện lợi giúp người bệnh có thể dễ dàng mang theo bên mình và sử dụng khi cần thiết. Những người bị bệnh nên mang thuốc sẵn trong người để đề phòng cơn hen, không nên để cơn hen tái phát rồi mới chạy đi mua thuốc thì rất nguy hiểm. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc và phối hợp các thuốc cần có sự chỉ dẫn của các bác sĩ trong từng đối tượng bệnh cụ thể. Bệnh nhân không nên tự ý mua và sử dụng thuốc tại nhà sẽ gây nguy hiểm do không phù hợp với bệnh và có thể gây ra tình trạng nhờn thuốc.

Cách làm giảm cơn hen suyễn tại nhà

  • Điều trị dự phòng cơn hen: bằng cách tránh xa các tác nhân gây hen, các tác nhân gây dị ứng sẽ giúp làm giảm các yếu tố thuận lợi cho cơn hen xuất hiện và làm giãn khoảng cách các cơn hen. Người bệnh cần giữ gìn vệ sinh cá nhân tốt, sống và làm việc trong môi trường sạch sẽ, tránh nhiễm bụi, nhiễm bẩn; thường xuyên giặt giũ quần áo, chăn màn, quét bụi trong nhà. Những người hen suyễn cần tránh tiếp xúc với chó mèo, các loại thảm lông và luôn giữ vệ sinh sạch sẽ đường thở. Bên cạnh đó, người bệnh cần tiêm phòng cúm và phế cầu hàng năm để tránh các yếu tố làm khởi phát cơn hen. Việc tránh nhiễm các bệnh đường hô hấp là rất cần thiết giúp tránh được các cơn hen nghiêm trọng.
  • Cuối cùng, là một biện pháp vô cùng hữu hiệu để phòng tránh cơn hen đó chính là tập thở. Do việc vận động cần hạn chế để giảm cơn hen suyễn dẫn đến sức khỏe suy yếu, người bệnh cần rèn luyện hơi thở của mình để nâng cao sức đề kháng và nâng cao khả năng chống chọi với cơn hen của mình. Bệnh nhân có thể tham gia các câu lạc bộ sức khỏe ngoài trời, tập yoga hoặc ngồi thiền để cải thiện tình trạng sức khỏe của mình.

Trên đây là một số thông tin liên quan tới bệnh lý hen suyễn mà bạn có thể tham khảo. Hy vọng, với những thông tin trên có thể giúp ích cho bạn trong quá trình điều trị bệnh.

0983340246